Saturday, March 14, 2020

Bệnh nhân số 34 - Cần thiết công khai danh tính người nhiễm COVID-19

TTO - Những người đã tiếp xúc nhưng bệnh nhân COVID-19 số 34 không nhớ hoặc cố tình không khai thì cơ quan chức năng không thể biết để giám sát. Trong khi bản thân họ không biết mình có nguy cơ nhiễm thì ai sẽ bảo vệ họ và những người xung quanh họ?

Với tình hình dịch bệnh đang lây lan bởi ca nhiễm số 34 (Bình Thuận) dẫn đến bước đầu TP.HCM đã có 2 ca nhiễm, 2 khu dân cư bị cách ly đề phòng dịch, tôi cho rằng cần thiết phải công khai danh tính người nhiễm bệnh để những người từng tiếp xúc với bệnh nhân biết để mà phòng ngừa.
Dịch bệnh là vấn đề toàn cầu và trách nhiệm phòng chống dịch là của toàn dân chứ không chỉ của cán bộ y tế. Do đó, hiện nay việc phòng và chống dịch tại Việt Nam đang hoàn toàn phụ thuộc vào sự trung thực của những người nhiễm bệnh. Từ khai báo của các bệnh nhân, cơ quan phòng chống dịch mới khoanh vùng, kiểm tra và cách ly những người có tiếp xúc F1, F2…
Tuy nhiên, thực tế diễn ra trong thời gian qua cho thấy không phải bệnh nhân nào cũng trung thực về lịch trình của mình, ví như ca nhiễm COVID-19 số 17 từ đầu đã không khai báo lịch sử di chuyển khi nhập cảnh nên cơ quan chức năng đã cho nhập cảnh cả chuyến bay. Hậu quả là từ ca nhiễm số 17 này đã lây nhiễm cho những người khác và phải cách ly cả khu phố. Chưa kể những ca nhiễm khác là người nước ngoài trên cùng chuyến bay đã tự do đi lại khiến cơ quan chức năng phải vất vả truy tìm.
Gần đây là ca nhiễm số 34 ở Bình Thuận, ca nhiễm này đang được gọi là "siêu lây nhiễm" bởi bệnh nhân này đã không khai báo trung thực (hoặc không thể nhớ được hết lịch trình của mình cũng như những người mình từng gặp trong 10 ngày qua) dẫn đến hàng chục người khác bị lây nhiễm và hàng trăm người đang bị cách ly, chờ xét nghiệm xem có dương tính với virus hay không.
Việc không trung thực (hoặc thật sự không nhớ) của bệnh nhân đã khiến công tác dập dịch gặp khó khăn khi các ca nhiễm bệnh ở TP.HCM. Bởi chỉ đến khi biết ca 34 bị nhiễm bệnh thì các ca ở TP.HCM mới tự cách ly và tìm đến các cơ quan y tế. 
Nếu có những người đã tiếp xúc nhưng bệnh nhân số 34 không nhớ để khai và cơ quan chức năng không thể biết để giám sát thì ai sẽ bảo vệ họ và những người xung quanh họ? Thực tế, với việc tiếp xúc hàng trăm người của ca 34 (có người thân, có người không) ở cả chặng đường rất dài thì việc công khai danh tính người bệnh để người tiếp xúc phòng ngừa là cần thiết.
Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền nhân thân của công dân, nhưng quyền nhân thân của một cá nhân không thể lớn hơn tính mạng, sức khỏe của cả cộng đồng.
Nhiều người lo ngại rằng việc công khai danh tính người bệnh khiến cho họ bị kỳ thị, nhưng thực tế những người nhiễm bệnh đã bị đưa đi điều trị, gia đình họ bị cách ly, hàng xóm, đồng nghiệp cũng bị cách ly luôn nên không ai kỳ thị những người nhiễm bệnh. Thực tế họ chỉ cũng là những người nhiễm bệnh và không ai mong muốn mình bị bệnh trong lúc dịch bệnh nguy hiểm trên toàn cầu như hiện nay.
Đồng thời, tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần khởi tố ngay những người khai báo gian dối về y tế gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch khiến dịch bùng phát làm tổn hại đến nền kinh tế và nhân lực của Nhà nước.
Tôi đánh giá cao sự minh bạch của cơ quan y tế TP.HCM khi liên tiếp công khai danh sách những hành khách trên các chuyến bay có người nhiễm COVID-19 và kêu gọi hành khách hoặc cộng đồng quen biết cung cấp thông tin để cơ quan chức năng kịp thời tư vấn, cách ly phòng dịch.
Việc phòng chống dịch không là nhiệm vụ của riêng cơ quan, tổ  chức nào, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Chỉ khi công khai danh tính người nhiễm bệnh để xã hội cùng giám sát, kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ lây lan thì mới mong sớm đẩy lui được dịch bệnh.
theo tuoitre.vn

Next

Related


EmoticonEmoticon